Ông Đặng Đình Phong theo dõi, kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của các đàn ong
Năm 2005 do hoàn cảnh khó khăn, gia đình làm đủ nghề nhưng đời sống vẫn thiếu thốn. Ông Phong đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi lợn, gà sang nuôi ong để lấy mật, thời gian đầu với số vốn ít ỏi, gia đình cũng chỉ mua được 50 thùng ong giống. Nhận thấy khu vực nơi ông ở có nhiều nguồn hoa dồi dào thích hợp để nuôi ong lấy mật như hoa Nhãn, hoa Vải, hoa Keo. Không bằng lòng với cuộc sống chỉ đủ ăn, với nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp Hội và gia đình, ông Phong đã mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư thêm 200 thùng ong mới. Đến nay, gia đình ông đã xây dựng thành công mô hình nuôi ong cho hiệu quả kinh tế cao. Trang trại nuôi ong của gia đình có diện tích hơn 0,8 ha và có tới 1.570 thùng ong, trong đó có 640 thùng ong lấy mật và 930 thùng ong giống để xuất bán ra ngoài thị trường ở các tỉnh xung quanh như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Hải Dương...
Hàng trăm thùng nuôi ong của gia đình ông đặt dưới gốc cây ăn quả
Nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Phong và tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương
Trong quá trình nuôi ong, ông luôn học hỏi kinh nghiệm, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật để tách đàn. Mỗi thùng ong, trung bình một năm ông thay ong chúa 2 lần để ong sinh sản mạnh, đảm bảo giống tốt, cho lượng mật nhiều. Bên cạnh đó ông dành nhiều thời gian quan sát làm vệ sinh thường xuyên, không để kiến, gián và các côn trùng vào thùng gây hại cho ong. Ông Phong chia sẻ: "Nghề nuôi ong chi phí bỏ ra ban đầu thấp, không cần đầu tư nhiều vốn, nhưng trong quá trình nuôi ong cần nắm vững về kỹ thuật, tập tính của ong để chăm sóc, quản lý, nhất là việc chia tách đàn mỗi khi đàn ong quá đông và thường xuyên di chuyển đàn ong đến nơi có nguồn hoa dồi dào. Mùa thu hoạch ong lấy mật từ tháng 2 dương lịch đến tháng 6 dương lịch trong khoảng thời gian này nhiều hoa nên lượng mật dồi dào nhất trong năm".
Các sản phẩm mật ong của Trang trại đảm bảo chất lượng và vệ sinh ATTP được thị trường ưa chuộng
Với 640 thùng ong, mỗi năm gia đình thu hoạch gần 5.000 lít mật, ông bán buôn và bán lẻ với giá giao động 150.000 đồng đến 200.000 đồng /lít. Ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của Hội Nông dân, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi ong vùng lân cận. Hiện nay trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập sau khi trừ chi phí được lãi trên 500 triệu đồng. Không những làm kinh tế giỏi, gia đình ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong SXKD để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Hiện ông đang thực hiện chăn nuôi ong theo quy trình VietGap từ khâu chăm sóc, lấy mật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để hướng đến tạo thương hiệu và nâng cao giá trị mật ong nguyên chất, với mục tiêu đóng chai, dán tem, đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn để được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Không những thế, ông Phong cũng là một hội viên nông dân tiêu biểu luôn có ý thức xây dựng tổ chức Hội, hàng năm ông tích cực đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid, đồng bào miền Trung lũ lụt, Quỹ Nghĩa tình nông dân; hàng năm gia đình ông được chính quyền địa phương công nhận là "Gia đình Văn hoá". Tích cực phối hợp với các cấp Hội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế, tham gia xây dựng Nông thôn mới. Tết Giáp Thìn 2024 ông đã ủng hộ 10.000.000 đồng để tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong huyện và xã.
Khi nhắc đến gia đình ông Đặng Đình Phong, nhân dân trong thôn, xóm đều cảm phục bởi ý chí và sự cần cù trong lao động, sự chia sẻ, giúp đỡ của ông với mọi người. Ông thực sự là tấm gương sáng trong việc tự lực vươn lên làm giàu, xứng đáng để Hội viên và nhân dân trong xã học tập và làm theo. Góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một phát triển ./.